Tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc
(05:00 | 12/09/2023)

Trong khuôn khổ Triển lãm Kiến trúc 2023 tại thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã diễn ra Phiên toàn thể và các hội thảo chuyên đề, với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước. 

Kiến trúc phản ánh rõ sự phát triển kinh tế - xã hội và nét đặc trưng văn hóa của địa phương

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình: Kiến trúc thật sự là hạt nhân của hoạt động tổng thể, phản ánh rõ sự phát triển kinh tế - xã hội và nét đặc trưng văn hóa của địa phương.

Phát biểu tại phiên toàn thể, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đánh giá cao sự kiện Expo Kiến trúc 2023 lần đầu tiên được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế.

Đồng chí Đỗ Thanh Bình cho biết: Kiên Giang là 01 trong 13 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, có diện tích lớn nhất và dân số đứng thứ hai toàn Vùng; với 12 huyện và 03 thành phố, trong đó thành phố Phú Quốc - là thành phố biển, đảo đầu tiên của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, đảo.

Chính vì những yếu tố đặc biệt đó, theo đồng chí Đỗ Thanh Bình, tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ, định hướng phát triển của Kiên Giang trong phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long -  phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; tập trung xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Hình thái đô thị Phú Quốc hôm nay với nhiều công trình kiến trúc hiện đại; nét đặc trưng của Trung tâm dịch vụ, du lịch biển đảo đã thể hiện rõ. Kiến trúc thật sự là hạt nhân của hoạt động tổng thể, phản ánh rõ sự phát triển kinh tế - xã hội và nét đặc trưng văn hóa của địa phương.

Cùng quan điểm với Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết, trải qua hơn 300 năm lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế năng động, là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hoá đa dạng nhiều màu sắc, mà còn có sự hiện diện của những công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn đặc trưng qua các thời kỳ lịch sử.

Tuy nhiên, nhìn chung diện mạo kiến trúc đương đại của TP. Hồ Chí Minh đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi xu thế toàn cầu hóa hơn là kiến trúc truyền thống mang đặc trưng bản sắc địa phương. Xu thế kiến trúc truyền thống và kiến trúc đương đại sẽ phải cạnh tranh, giao thoa để cùng tạo nên những nét kiến trúc mới cho thành phố.

Ông Nguyễn Thanh Nhã nhận xét: thiết kế kiến trúc hiện nay không chỉ đơn thuần là đẹp, là đường nét thẩm mỹ, mà còn là quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch -thiết kế môi trường nông thôn xanh, các hệ sinh thái lao động, sản xuất của cải vật chất, sinh hoạt, giải trí, giáo dục, sức khoẻ... Tất cả cần hướng đến giải quyết nhu cầu phát triển cuộc sống của người dân một cách bền vững. Để làm được điều này cần phải dựa vào người kiến trúc sư sẵn sàng đột phá vào tương lai, và lẽ dĩ nhiên là hệ thống lãnh đạo, điều hành, quản lý sẵn sàng cho tương lai.

Đề cao tính khả thi trong phát triển kiến trúc hạnh phúc

KTS. Hoàng Thúc Hào: Quá trình tạo lập môi trường sống bền vững là trách nhiệm chung, cấp bách của ngành Kiến trúc xây dựng 

Tham luận tại phiên toàn thể, KTS. Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: Phát triển bền vững không là khẩu hiệu mà trở thành trọng tâm của mọi chính sách và chương trình, được cụ thể hóa thành hệ thống giải pháp, áp dụng đồng bộ, khẩn trương và quyết liệt.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành Xây dựng - lĩnh vực tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và phát thải thuộc hàng cao nhất - là tạo lập môi trường bền vững, với những mục tiêu và cam kết cụ thể như đô thị không phát thải carbon, giao thông xanh, khu ở sinh thái, công trình trung hòa năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra không chỉ thuần túy kỹ thuật, kiến trúc sư sẽ phải cân nhắc và giải quyết nhiều bài toán kinh tế - xã hội liên quan. Đó thực sự là những vấn đề gai góc trong bối cảnh biến đổi khí hậu và chuyển đổi phương thức quản lý - vận hành dự án, song cũng đầy hấp dẫn, thú vị ở hành trình tìm kiếm, đề xuất mô hình mới.

Đề cập đến những đóng góp của Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong các chương trình hành động hiệu quả, thiết thực vì cộng đồng, góp phần tạo lập môi trường sống có chất lượng, phù hợp với lối sống và điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội của mỗi vùng miền, KTS. Hoàng Thúc Hào cho biết, quá trình tạo lập môi trường sống bền vững là trách nhiệm chung, cấp bách của ngành Kiến trúc xây dựng. Và một trong những công cụ chính xác lập không gian sống cụ thể là hệ thống bản vẽ, tư duy của kiến trúc sư. Kiến trúc sư đóng vai trò hạt nhân của quá trình này, do đó rất cần xây dựng những khung lý thuyết, trách nhiệm, khái niệm...để đảm bảo sự phối hợp liên ngành hiệu quả, đồng bộ trong dài hạn.

KTS. Hoàng Thúc Hào cũng đề cập đến tính khả thi trong phát triển kiến trúc hạnh phúc và cho rằng hệ gene kiến trúc cũng chính là nền tảng của kiến trúc hạnh phúc.

Tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu bế mạc Triển lãm Kiến trúc 2023

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn tại phiên bế mạc Triển lãm EXPO Kiến trúc 2023. Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước đã đặt ra cho nền kiến trúc những yêu cầu mới: tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Theo đó, kiến trúc thể hiện rõ yếu tố bản sắc văn hoá, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống và tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới để bảo đảm sự thống nhất trong đa dạng của sáng tác kiến trúc; bồi đắp và khẳng định những đặc trưng của kiến trúc Việt Nam; đáp ứng các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái trong xây dựng.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá các bài tham luận và ý kiến trao đổi tại hội thảo cho thấy kiến trúc đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của văn hóa - kinh tế - xã hội – môi trường. Các ý kiến thiết thực và hiệu quả, gợi mở tại hội thảo sẽ góp phần phát huy các thành quả đạt được, tháo gỡ những bất cập trong phát triển kiến trúc, tạo cơ sở để nghiên cứu ban hành, hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển kiến trúc Việt Nam bền vững.

Các nội dung trao đổi, thảo luận tại hội thảo cũng sẽ hỗ trợ chính quyền Trung ương và các địa phương trong định hướng, đề xuất triển khai các chương trình hành động trước những thời cơ, cơ hội, cũng như thách thức, khó khăn hiện nay và từng bước thực hiện thành công các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Luật Kiến trúc; Nghị quyết  06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.

Thay mặt Ban Tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn bày tỏ hy vọng sự kiện lần này đem lại những điều bổ ích cho các nhà quản lý Trung ương và địa phương, các kiến trúc sư trong và ngoài nước, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển sản phẩm, những công nghệ kiến trúc - xây dựng mới và tiên tiến...để phát triển nền kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

BAN BIÊN TẬP (theo Cổng www.moc.gov.vn)