Sáu luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022
(15:31 | 04/01/2022)

Từ 1/1/2022, 6 luật chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó nhiều luật có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân.

6 luật gồm: Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Phòng, chống ma túy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định

Từ chối thu gom nếu không phân loại rác

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020. Luật này gồm 16 chương, 171 điều có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022; riêng khoản 3, Điều 29 về đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hiệu lực thi hành từ 1/2/2021. 

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 20-85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định. Đồng thời, thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

Luật có nhiều chính sách mới đột phá như: Lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn và phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời, được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với các dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường…

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của luật này là quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân. Điều 60 quy định: Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định…

Khoản 2 Điều 77 nêu rõ: Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 của luật này.

Mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 75 triệu đồng thay vì 40 triệu như hiện hành

Vi phạm giao thông bị phạt đến 75 triệu đồng

Đây là một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020. Luật được thông qua đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.

Luật sửa đổi quy định nâng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản, báo chí. Điển hình, mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 75 triệu đồng thay vì 40 triệu như hiện hành. Mức phạt trong lĩnh vực báo chí cũng tăng từ tối đa 100 triệu lên 250 triệu.

Nguyên tắc xử phạt hành chính cũng được sửa đổi theo hướng một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. Trong khi đó, luật hiện hành vừa quy định nguyên tắc một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, vừa quy định vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng.

Cũng từ 1/1/2022, luật này bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như: Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.

Lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính cũng được mở rộng. Thay vì chỉ áp dụng với lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường như hiện hành, luật sửa đổi bổ sung thêm các lĩnh vực như: Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động

Nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020, trong đó có nhiều quy định mới rất đáng chú ý.

Luật gồm 8 chương, 74 điều. So với luật hiện hành, Luật có 31 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn.

Luật mới có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở nước ngoài, điển hình là quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định người đi xuất khẩu lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước đến làm việc, nếu hai nước đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Đáng chú ý, Luật nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động của người lao động.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 30/3/2021. Luật Phòng, chống ma túy gồm 8 chương, 55 điều quy định cụ thể chính sách phòng, chống ma túy, trong đó nhấn mạnh "Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy", "Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ".

Luật quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy; quy định cụ thể cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và nguyên tắc phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy.

Một trong những quy định mới của Luật so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 là quy định cụ thể trường hợp bị xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể (Điều 22) để các cơ quan chức năng có căn cứ khách quan xác định người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và giám sát người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Người sử dụng trái phép chất ma túy được lập danh sách và quản lý, theo dõi, hỗ trợ ngay từ lần đầu bị phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và đây không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính (Điều 23).

Luật quy định các trường hợp phải xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp.

Các biện pháp cai nghiện gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy; cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Luật không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.

Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện; bị chấm dứt điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; trong thời gian quản lý sau cai nghiện mua túy mà tái nghiện thì bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bổ sung chính sách ưu tiên giao đất ở cho bộ đội biên phòng

Bổ sung chính sách ưu tiên giao đất ở cho bộ đội biên phòng

Đây là một trong những điểm mới của Luật Biên phòng Việt Nam 2020. Luật bổ sung chính sách được ưu tiên giao đất ở khi có nhu cầu đối với bộ đội biên phòng khi đáp ứng đủ điều kiện là có thời gian từ 5 năm trở lên và có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo.

Luật Biên phòng Việt Nam 2020 cũng đưa ra 7 chính sách của Nhà nước về biên phòng, trong đó bổ sung chính sách đặc thù phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới.

Về nhiệm vụ biên phòng và nguyên tắc thực thi, do hiện nay hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều chủ thể thuộc nhiều bộ, ngành Trung ương tham gia vào xây dựng, quản lý nên Luật Biên phòng Việt Nam chỉ quy định các nhiệm vụ chung cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng mà không quy định cụ thể cho từng lực lượng.

Ngoài ra, Luật bổ sung các trường hợp hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền như: Xung đột vũ trang; xảy ra khủng bố; bắt cóc con tin; khi có đề nghị hoặc thông báo của Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của nước có chung đường biên giới về việc hạn chế hoặc tạm dừng qua lại biên giới…

Sửa đổi một số điều của Luật Thống kê góp phần đánh giá sát đúng tình hình kinh tế - xã hội

Sửa đổi một số điều của Luật Thống kê góp phần đánh giá sát đúng tình hình kinh tế - xã hội

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 2, sửa đổi bổ sung khoản 6 Điều 17, điểm d khoản 2 Điều 48 và thay thế Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13.

Luật bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời, bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương định kỳ 5 năm, rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước.

Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền công bố thông tin thống kê của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho việc công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; công khai, minh bạch việc biên soạn và công bố chỉ tiêu GDP và GRDP; triển khai thực hiện đồng bộ các văn bản pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Luật thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê 2015.

Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu. Đây là những chỉ tiêu ở tầm quốc gia, phản ánh bao quát những nội dung cơ bản, cốt lõi về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong số đó, tập trung phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; chính sách về phát triển bền vững; Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; giới và bình đẳng giới; quan hệ hội nhập quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam./.

BAN BIÊN TẬP (theo Cổng www.chinhphu.vn)